- 19/04/2016 05:00:00 PM
- Đã xem: 2301
- Phản hồi: 0
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 5 năm 2016 và thay thế Nghị định số 35/2008/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sỹ) và cơ sở hỏa táng.
Về giải thích từ ngữ, Nghị định nêu rõ:
- Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch; táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết. Nghị định cũng giải thích rõ có các hình thức táng gồm: Mai táng, hỏa táng, hung táng, cải táng, cát táng…
- Cơ sở hỏa táng là cơ sở vật chất bao gồm lò hỏa táng và các công trình phụ trợ khác (khu văn phòng, khu kỹ thuật, khu lưu trữ tro cốt, nhà tang lễ, các công trình hạ tầng kỹ thuật).
- Hoạt động xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng là hoạt động bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bào hành, bào trì công trình xây dựng…
Chương II Nghị định quy định về quy hoạch, xây dựng, cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Theo đó:
- Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được xây dựng theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh, quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhà nước khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh.
- Nghị định cũng quy định việc táng phải được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của UBND các cấp theo phân cấp của UBND cấp tỉnh. Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại. Đồng thời, Nghị định cũng quy định diện tích đất tối đa cho mỗi phần mộ cá nhân. Cụ thể, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, đất cho mỗi phần mộ cát táng không quá 3m2.
- Các nghĩa trang đang hoạt động hoặc đã đóng cửa phải được định kỳ chăm sóc, bảo quản, gìn giữ phần mộ, tro cốt tại các nhà lưu giữ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang; bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang. Các nghĩa trang phải đóng cửa khi không còn diện tích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường.
- Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
Chương III và Chương IV Nghị định quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng. Chương VI quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.