Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, các thành viên Hội đồng thẩm định đại diện các Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành.
Huyện Trảng Bàng là 1 trong 9 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh kết nối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ đồng thời là cửa ngõ kết nối các nước trong khu vực ASEAN thông qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đường Xuyên Á, Quốc lộ 22. Trảng Bàng cách TP Hồ Chí Minh 40 km về phía Tây Bắc và cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 30 km.
Trảng Bàng là huyện biên giới (có 14,5km đường biên giới với Cam-pu-chia), diện tích tự nhiên là 34.014,92 ha, dân số 183.385 người với 11 đơn vị hành chính cấp xã. Khu vực nội thị có diện tích 15.458 ha gồm thị trấn Trảng Bàng và 5 xã: An Tịnh, An Hòa, Lộc Hưng, Gia Lộc, Gia Bình và 5 xã ngoại thị có diện tích 18.556,92 ha.
Đô thị Trảng Bàng đang được tỉnh Tây Ninh đầu tư phát triển theo định hướng trở thành thị xã Trảng Bàng trên cơ sở toàn bộ phạm vi ranh giới và đơn vị hành chính của huyện Trảng Bàng. Năm 2016, thị trấn Trảng Bàng đã được công nhận đô thị loại IV tại Quyết định số 432/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 17/5/2016.
Đến nay khu vực dự kiến thành lập thị xã Trảng Bàng đã và đang có bước tiến mạnh mẽ, với nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, GDP tăng đều hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ.Với vị thế và tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, tốc độ tăng trưởng tương ứng là 5,5% và 11,69%, cơ cấu kinh tế năm 2017 huyện Trảng Bàng là Công nghiệp - xây dựng 75,17%; Thương mại dịch vụ 5,11%; Nông - Lâm - Ngư nghiệp 19,71%.
Với những thay đổi lớn trong thời gian gần đây, Trảng Bàng ngày càng khẳng định vị thế xứng tầm một đô thị trực thuộc tỉnh, đô thị hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế phía Nam tỉnh Tây Ninh.
Huyện Hòa Thành là khu vực trung tâm của tỉnh Tây Ninh bên cạnh thành phố Tây Ninh, có 8 đơn vị hành chính cấp xã; Trung tâm đô thị Hòa Thành cách TP Hồ Chí Minh 90 km về phía Bắc, cách biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia 25 km về phía Tây và 40 km về phía Bắc. Trên địa bàn huyện có các tuyến đường giao thông quốc gia đi qua.Về đường bộ có tuyến Quốc lộ 22B; đường thủy có tuyến sông Vàm Cỏ Đông và cảng Bến Kéo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Tây Ninh. Với vị trí nằm ở trung tâm của tỉnh và gần các đô thị lớn khác đã giúp cho Hòa Thành có vị trí tương đối thuận lợi trong hiện tại và tương lai để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trở thành một trong những trung tâm giao thương giữa tỉnh Tây Ninh với các địa phương khác trong vùng.
Ngoài ra đây còn là nơi có nhiều hoạt động về văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng mang tầm khu vực và quốc gia, nổi bật là các lễ hội của Đạo Cao Đài gắn liền với Tòa Thánh Tây Ninh, lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Báo Quốc Từ, …
Trong những năm qua, đô thị Hòa Thành đã hoàn thiện hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phúc lợi xã hội được chú trọng; tốc độ đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp.
Phạm vi lập Đề án đề nghị công nhận đô thị Hòa Thành mở rộng, tỉnh Tây Ninh đạt tiêu chí đô thị loại IV có quy mô 8.292,4 ha gồm khu vực đô thị Hòa Thành (Thị trấn Hòa Thành và 3 xã Hiệp Tân, xã Long Thành Bắc, xã Long Thành Trung) và khu vực mở rộng (4 xã: Trường Hòa, Trường Đông, Trường Tây, Long Thành Nam).
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đến từ các Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ đánh giá cao nội dung 2 Đề án đề nghị công nhận đô thị Hòa Thành mở rộng và khu vực dự kiến thành lập thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các ý kiến đều thống nhất là các tiêu chí đánh giá đã bám rất sát những nội dung quy định trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Tuy nhiên, Đề án cần đề xuất các dự án ưu tiên cụ thể.Đối với khu vực nội thị dự kiến,cần xây dựng chương trình đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và thể hiện qua các dự án được xác định thời gian thực hiện, nguồn vốn và chủ đầu tư cụ thể hoặc các cơ chế chính sách thực hiện, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa. Ngoài ra, đô thị Trảng Bàng cũng như tỉnh Tây Ninh là khu vực chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, các dự án cần chú ý bổ sung giải pháp ứng phó BĐKH, lồng ghép các giải pháp ứng phó BĐKH vào chương trình phát triển đô thị cũng như các dự án đầu tư phát triển đô thị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Thị Lan Anh đánh giá 2 Đề án đề nghị công nhận đô thị Hòa Thành mở rộng và khu vực dự kiến thành lập thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đạt tiêu chí đô thị loại IV được thực hiện công phu, bài bản, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật hiện hành và đề nghị huyện Hòa Thành, huyện Trảng Bàng tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng thẩm định, đồng thời rà soát lại những nội dung nêu trong 2 Đề án, để hoàn thiện hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền quyết định.
Hội đồng thẩm định nâng loại đô thị của Bộ Xây dựng đã nhất trí thông qua 2 Đề án công nhận đô thị Hòa Thành mở rộng và khu vực dự kiến thành lập thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đạt tiêu chí đô thị loại IV, với điểm số lần lượt là 90,69 điểm và 88,03 điểm.
Nguồn: http://www.xaydung.gov.vn
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH
Ý kiến bạn đọc