Công bố Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, t

Thứ năm - 03/01/2019 23:00 823 0
Ngày 26/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 3171/QĐ-UBND và Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 3172/QĐ-UBND.

Một số nội dung chính của các Quy hoạch như sau:

1. Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 3171/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Tây Ninh được duyệt kỳ này đã điều tra, tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng ngành sản xuất VLXD của tỉnh ở thời điểm hiện tại; đánh giá đúng đắn các yếu tố, nguồn lực và những thuận lợi cơ bản tác động đến sự phát triển ngành trong thời gian tới; trên cơ sở đó xác định cơ cấu, bước đi, mục tiêu, quan điểm phát triển và xây dựng quy hoạch phát triển đối với từng chủng loại VLXD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 có tính khoa học và khả thi cao; làm công cụ giúp các nhà quản lý trong công tác điều hành việc phát triển ngành VLXD phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và làm căn cứ cho các nhà đầu tư trong việc chuẩn bị xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Xi - măng: Tiếp tục phát triển sản xuất xi - măng trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho nhu cầu chung toàn vùng theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại của thế giới với mức độ cơ giới hoá và tự động hoá cao, tiêu tốn ít nhiên liệu, nguyên liệu và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển đa dạng các chủng loại xi - măng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội, đặc biệt là các loại xi - măng có khả năng chống ăn mòn nước biển, nhằm phục vụ cho các khu vực ven biển và hải đảo; phát triển xi - măng mác cao PC50, PC60 trở lên để phục vụ cho nhu cầu xây dựng các công trình và sản xuất các sản phẩm bê - tông chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm nguyên liệu và giải quyết vấn đề môi trường. Nghiên cứu sử dụng nhiệt thừa để sản xuất điện phục vụ cho sản xuất, nhằm giảm chi phí điện năng.

- Gạch đất sét nung: Định hướng đầu tư các cở sở sản xuất gạch đất sét nung trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò đứng liên tục chậm nhất vào 31/12/2018; dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung khi chuyển đổi công nghệ lò Hoffman hoặc lò đứng liên tục sang công nghệ lò Tuynen phải đáp ứng các điều kiện: Dự án được chuyển đổi phải nằm trong Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Tây Ninh và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu sét gạch ngói; tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng và môi trường; công suất thiết kế của 01 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò Tuynen không nhỏ hơn 20 triệu viên QTC/năm; mức tiêu hao nhiệt năng £ 360 kcal/kg, tiêu hao điện năng £ 0,022 kWh/kg và ưu tiên việc sử dụng nhiên liệu trấu, mùn cưa, củi tạp ít gây ảnh hưởng đến môi trường; mở rộng, đa dạng hoá sản phẩm, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao như gạch xây không trát, gạch gốm ốp lát mỏng, gạch có độ rỗng lớn, gạch gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, ... nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển các loại gạch có độ rỗng cao từ 50% trở lên để tiết kiệm nguyên nhiên liệu; khoảng cách từ các lò gạch đất sét nung tới khu dân cư, nhà ở, công trình công cộng hoặc khu vực canh tác phải ≥ 100 m.

- Gạch không nung: Tiếp tục duy trì sản xuất, đầu tư xây dựng và phát huy hết công suất tại 07 nhà máy sản xuất gạch xây không nung hiện có, công suất thiết kế là 117,9 triệu viên/ năm; tăng cường phát triển vật liệu xây không nung để tiến đến giảm bớt và thay thế việc sử dụng gạch đất sét nung; kêu gọi đầu tư dự án mới trong tỉnh (tổng công suất cần thu hút đầu tư thêm là 242,1 - 257,1 triệu viên QTC/năm), mỗi địa phương (huyện) đầu tư thêm từ 2-3 nhà máy sản xuất gạch xây không nung, các nhà máy sản xuất gạch xi - măng cốt liệu có công suất thiết kế từ 15 triệu viên QTC/năm trở lên và gạch nhẹ có công suất thiết kế từ 25 triệu viên QTC/ năm (tính theo kích thước 300x100x150 mm).

- Vật liệu lợp: Duy trì và phát huy hết công suất các cơ sở sản xuất vật liệu lợp hiện có với tổng công suất 1,35 triệu m2/năm.

- Cát xây dựng: Duy trì hoạt động, phát huy hết công suất khai thác tại các cơ sở đang khai thác còn hạn giấy phép; ưu tiên đẩy mạnh công tác thăm dò và đưa vào khai thác các mỏ cát bồi tích và trầm tích đã được cấp phép thăm dò.

- Bê - tông: Từ nay đến năm 2020 cần kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất bê - tông thương phẩm và bê - tông cấu kiện, để thay thế cho việc chế tạo bê - tông bằng phương pháp thủ công đơn giản, phân tán, không đảm bảo chất lượng và gây ô nhiễm môi trường.

- Vật liệu trang trí hoàn thiện: Nhu cầu một số chủng loại vật liệu trang trí hoàn thiện tại Tây Ninh năm 2020 gồm vật liệu ốp lát 1,5 - 1.55 triệu m2; sứ vệ sinh 1,15- 1,2 triệu sản phẩm; kính xây dựng 1,03 - 1,08 triệu m2.

- Vật liệu san lấp: Tiếp tục đưa các mỏ đã được cấp giấy phép vào quy hoạch khai thác với giai đoạn 2018 - 2020 có 126 khu vực, diện tích quy hoạch là 812,14 ha, trữ lượng tài nguyên  47.741.256 m3; giai đoạn 2021 - 2025 có 55 khu vực, diện tích quy hoạch là  426,83 ha, trữ lượng tài nguyên 24.159.912 m3.

2. Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 3172/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh kỳ này đã đánh giá toàn diện hiện trạng và khả năng khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh; xác định nhu cầu trữ lượng và mức độ đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng; xác định danh mục và phân kỳ quy hoạch khoáng sản theo từng giai đoạn; kế thừa, phát huy các ưu điểm và đồng thời khắc phục được hạn chế, bất cập của kỳ quy hoạch trước; làm cơ sở để quản lý, lập kế hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, hài hòa.

Kết quả quy hoạch: Có 185 khu vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 khu vực khoáng sản đá xây dựng, 39 khu vực khoáng sản cát xây dựng, 9 khu vực khoáng sản đất sét làm gạch ngói, 126 khu vực khoáng sản vật liệu san lấp, 5 khu vực khoáng sản than bùn và 3 khu vực khoáng sản cuội sỏi.

Phân kỳ quy hoạch:

- Đá xây dựng: Tiếp tục đưa mỏ Lộc Trung đã được cấp giấy phép vào quy hoạch khai thác; giai đoạn 2018 - 2020 có 02 khu vực, diện tích quy hoạch là 31,72 ha, trữ lượng tài nguyên 4.850.000 m3; giai đoạn 2021 - 2025 có 02 khu vực, diện tích quy hoạch là 59,22 ha, trữ lượng tài nguyên 10.452.767 m3.

- Cát xây dựng: Tiếp tục đưa các mỏ đã được cấp giấy phép vào quy hoạch khai thác; giai đoạn 2018 - 2020 có 37 khu vực, diện tích quy hoạch là 2.150,51 ha, trữ lượng tài nguyên 7.851.661 m3; giai đoạn 2021 - 2025 có 31 khu vực, diện tích quy hoạch là 1.897,23 ha, trữ lượng tài nguyên 8.048.414 m3.

- Đất sét làm gạch ngói: Tiếp tục đưa các mỏ đã được cấp giấy phép vào quy hoạch khai thác; giai đoạn 2018 - 2020 có 05 khu vực, diện tích quy hoạch là 128,86 ha, trữ lượng tài nguyên 3.616.596 m3; giai đoạn 2021 - 2025: 08 khu vực, diện tích quy hoạch là 189,99 ha, trữ lượng tài nguyên 7.180.741 m3.

- Vật liệu san lấp: Tiếp tục đưa các mỏ đã được cấp giấy phép vào quy hoạch khai thác; giai đoạn 2018 - 2020 có 126 khu vực, diện tích quy hoạch là 812,14 ha, trữ lượng tài nguyên 47.741.256 m3; giai đoạn 2021 - 2025 có 55 khu vực, diện tích quy hoạch là 426,83 ha, trữ lượng tài nguyên 24.159.912 m3.

- Than bùn: Tiếp tục đưa các mỏ đã được cấp giấy phép vào quy hoạch khai thác; giai đoạn 2018 - 2020 có 04 khu vực, diện tích quy hoạch là 157,10 ha, trữ lượng tài nguyên 381.483 m3; giai đoạn 2021 - 2025 có 03 khu vực, diện tích quy hoạch là 134,70 ha, trữ lượng tài nguyên 560.000 m3.

- Cuội sỏi: Không quy hoạch giai đoạn 2018 - 2025.

Quy hoạch dự trữ:

- Đá xây dựng: Gồm 02 khu vực, diện tích quy hoạch là 255 ha, trữ lượng tài nguyên là 57.000.000 m3.

- Cát xây dựng: Gồm 14 khu vực, diện tích quy hoạch là 760,77 ha, trữ lượng tài nguyên là 4.683.295 m3.

- Đất sét làm gạch ngói: Không có quy hoạch dự trữ.

- Vật liệu san lấp: Gồm 04 khu vực, diện tích quy hoạch 29,50 ha, trữ lượng tài nguyên là 2.105.924 m3.

- Than bùn: Gồm 04 khu vực, diện tích quy hoạch là 156,70 ha, trữ lượng tài nguyên là 1.223.324 m3.

- Cuội sỏi: Gồm 03 khu vực, diện tích quy hoạch là 410 ha, trữ lượng tài nguyên là 9.400.000 m3.

Sở Xây dựng công bố các Quy hoạch để các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết, tham gia giám sát và thu hút đầu tư.

Xem và tải các Quyết định tại đây: Cac QĐ quy hoach.rar

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây