Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 19/8/2014. Trước đó, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa VIII, Chương trình phát triển đô thị tỉnh cũng đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 14/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh nhằm hướng các đô thị phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển vùng tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 48% vào năm 2020, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh là 57%, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, tăng cường sức cạnh tranh giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong khu vực
Theo đó, việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo 4 giai đoạn: đến năm 2015 toàn tỉnh có 09 đô thị, tập trung nâng loại 02 đô thị Trảng Bàng và Hòa Thành lên đô thị loại IV; giai đoạn 2016 – 2020 toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó phát triển đô thị Gò Dầu đạt tiêu chuẩn loại IV; giai đoạn 2021 – 2025 nâng thành phố Tây Ninh đạt chuẩn đô thị loại II, nâng thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng đạt chuẩn đô thị loại III, nâng đô thị Mộc Bài và các đô thị huyện lỵ khác của tỉnh đạt chuẩn đô thị loại IV; giai đoạn 2026 – 2030 tỉnh sẽ có 19 đô thị phát triển đồng bộ, bền vững về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Bên cạnh 09 đô thị hiện có gồm thành phố Tây Ninh và 08 thị trấn huyện lỵ, đến năm 2020 Tây Ninh sẽ có các đô thị mới là Phước Đông – Bời Lời, Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum; và đến năm 2030 sẽ tiếp tục có thêm các đô thị gồm Bình Thạnh, Chà Là, Tân Hưng, Tân Hòa, Phước Tân, Vạc Sa, trong đó đô thị mới Mộc Bài sẽ bao gồm đô thị Mộc Bài và thị trấn Bến Cầu.
Chương trình đề ra các nhiệm vụ cụ thể. Về hạ tầng xã hội đô thị có các nhiệm vụ như xây dựng quy chế quản lý đô thị, quản lý xây dựng trong đô thị, nâng cao chất lượng nhà ở… Về hạ tầng kỹ thuật đô thị có các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đô thị, xây dựng hệ thống cấp nước và thoát nước đô thị, cải tạo hồ, rạch nước trong đô thị để tạo cảnh quan và môi trường sinh thái, ngầm hóa hệ thống kỹ thuật đô thị, xây dựng công trình cây xanh đô thị…
Về giải pháp thực hiện, yêu cầu phải có quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn tỉnh phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có định hướng để kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra còn cần phải có các cơ chế, chính sách quản lý có khả năng thu hút nguồn lực xã hội cùng với tỉnh thực hiện công cuộc phát triển đô thị.
Toàn văn Quyết định 22/2014/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 xem tại đây.
Ý kiến bạn đọc