Thành phần tham dự tập huấn gồm: Lãnh đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; lãnh đạo và chuyên viên chuyên trách của các phòng chuyên môn về xây dựng thuộc các cơ quan, đơn vị nói trên; lãnh đạo và nhân viên Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng.
Phát biểu khai mạc tập huấn Ông Trương Văn Ngôn, Giám đốc Sở Xây dựng bày tỏ mối quan tâm đến các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hoạt động xây dựng, ngay từ khi khảo sát, thiết kế lập dự án cho đến khởi công, tổ chức thi công, nghiệm thu công trình. Các vi phạm ngày càng phổ biến đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công trình, đến giá thành đầu tư xây dựng và ảnh hưởng đến trật tư xây dựng, thời gian qua đã chưa được quy định xử lý thích đáng. Nghị định số 121/2013/NĐ-CP được ban hành với mục tiêu là khắc phục những bất cập nêu trên, hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong các lĩnh vực hoạt động xây dựng.
Lớp tập huấn diễn ra trong 01 ngày, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP với 72 điều khoản.
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2013, thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
So với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP bổ sung khoảng hơn 40 hành vi vi phạm mới, phần lớn trong đó là những hành vi vi phạm xảy ra thường xuyên.
Mức phạt bằng tiền đã tăng cao hơn so với quy định cũ. Theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động xây dựng bị phạt ở mức cao nhất là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà ở và công sở có thể bị phạt tới 300 triệu đồng. Tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức cá nhân còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động tới 12 tháng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: phải cải chính thông tin sai sự thật, khôi phục tình trạng ban đầu, phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Một số hành vi vi phạm của nhà thầu tư vấn thiết kế như: hành vi áp dụng định mức, chính sách sai, đưa một số nội dung không đúng quy định vào dự toán để nâng giá trị gói thầu gây thất thoát vốn đầu tư xây dựng…Những hành vi này ngoài việc bị xử phạt tiền còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc lập, phê duyệt lại dự toán kể cả trường hợp đã tổ chức đấu thầu.
Đối với hành vi vi phạm về tổ chức thi công xây dựng công trình như xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai giấy phép…, theo Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì “ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình”.
Bên cạnh triển khai Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, báo cáo viên còn giới thiệu đến các đại biểu nội dung cơ bản của Thông tư 02/2014/TT-BXD ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và được giải đáp những thắc mắc có liên quan trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm cụ thể tại địa phương hoặc cơ quan mình.
Ý kiến bạn đọc