Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Xây dựng

Thứ năm - 14/04/2022 15:01 358 0
Ngày 06/4/2022, Bộ Xây dựng ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian qua Bộ Xây dựng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Xây dựng, ban hành các Chương trình, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số của ngành Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 của ngành Xây dựng phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược phát triển của ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Những kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành Xây dựng trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp: Đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; tích hợp phần mềm một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Xây dựng; hoàn thành xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng phiên bản 2.1; xây dựng các hệ thống thông tin, báo cáo kết nối với hệ thống báo cáo của Chính phủ; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng; đầu tư tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng CNTT; đảm bảo an ninh bảo mật, an toàn thông tin; nhận thức của cán bộ công nhân viên chức trong ngành về việc ứng dụng các công nghệ số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và xử lý công việc ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chuyển đổi số của ngành Xây dựng vẫn đang trong giai đoạn tạo lập dữ liệu số, hoàn chỉnh các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Chưa có bước đột phá trong việc ứng dụng các công nghệ số để thúc đẩy triển khai phát triển Chính phủ số, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc kết nối, chia sẻ tài nguyên dữ liệu số ngành Xây dựng với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan chậm được triển khai.
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành, hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu:
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1557/QĐ-BXD ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2022.
2. Trung tâm Thông tin khẩn trương tập trung triển khai các nhiệm vụ:
a) Xây dựng, hoàn thiện Khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành Xây dựng nhằm mục tiêu quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước ngành Xây dựng; cung cấp dữ liệu mở ngành Xây dựng cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ.
b) Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung Bộ Xây dựng kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương nhằm chia sẻ dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
c) Xây dựng, hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung ngành Xây dựng; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp để sớm triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ số của Bộ Xây dựng.
d) Nâng cấp, phát triển hạ tầng số; triển khai các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin trong kết nối các hệ thống thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ Chính phủ số Bộ Xây dựng. Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ.
đ) Phát triển nền tảng họp và làm việc trực tuyến của Bộ Xây dựng, các đơn vị trực thuộc Bộ để có thể sử dụng dùng chung toàn ngành.
e) Tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ với Hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
g) Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu các công nghệ mới, hiện đại trong việc triển khai xây dựng các giải pháp, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao, chủ động tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của ngành Xây dựng; ưu tiên chuyển đổi số các quy trình, thông tin dữ liệu đem lại hiệu quả ngay cho công tác quản lý điều hành của ngành Xây dựng và của đơn vị; bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số, đồng thời đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, tránh việc đầu tư mua sắm trùng lắp trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm, dữ liệu. Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy chuẩn - tiêu chuẩn, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng cần nghiên cứu lồng ghép tối đa nội dung về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới phát triển Chính phủ số; thử nghiệm, phát triển đô thị thông minh. Trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Phối hợp với Trung tâm Thông tin tập trung triển khai, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xây dựng: Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; cơ sở dữ liệu về hoạt động xây dựng; cơ sở dữ liệu về kiến trúc; cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị; cơ sở dữ liệu khoáng sản làm vật liệu xây dựng, thông tin ngành vật liệu xây dựng; cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng;... làm căn cứ để sớm triển khai xây dựng các hệ thống phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành của Bộ cũng như các đơn vị trong ngành.
b) Nghiên cứu sửa đổi các chỉ tiêu, chế độ báo cáo, thống kê ngành Xây dựng theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để ứng dụng hiệu quả công nghệ số.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Thông tin và các đơn vị có liên quan
c) Xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
- Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý hoạt động xây dựng
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Thông tin và các đơn vị có liên quan
d) Triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, cập nhật, bổ sung các quy trình giải quyết thủ tục hành chính phù hợp để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đề xuất các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị tham gia giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ.
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Thông tin và các đơn vị có liên quan
đ) Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ không còn phù hợp khi ứng dụng công nghệ số để tiến hành sửa đổi hoặc loại bỏ.
- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan
e) Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh; hướng dẫn tổ chức thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị trên nền tảng GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh.
- Đơn vị chủ trì: Cục Phát triển đô thị
- Đơn vị phối hợp: Vụ KHCN và môi trường và các đơn vị có liên quan
g) Hoàn thiện, cập nhật thông tin, dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành cũng như việc tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp.
- Đơn vị chủ trì: Cục Kinh tế xây dựng
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Thông tin và các cơ quan, đơn vị có liên quan
h) Đẩy nhanh việc triển khai số hóa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung.
- Đơn vị chủ trì: Vụ KHCN và môi trường
- Đơn vị phối hợp: Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan
i) Đề xuất lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn nghiệp vụ để việc áp dụng BIM được triển khai thuận lợi trong thời gian tới.
- Đơn vị chủ trì: Viện Kinh tế xây dựng
- Đơn vị phối hợp: Vụ KHCN và môi trường và các đơn vị có liên quan
k) Đề xuất phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý về quy hoạch, kiến trúc; triển khai rà soát, công khai dữ liệu quy hoạch xây dựng đối với các đô thị dự kiến triển khai đô thị thông minh trên phạm vi toàn quốc.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Quy hoạch - Kiến trúc
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Thông tin và các cơ quan, đơn vị có liên quan
l) Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, hệ đại học, cao đẳng và trung cấp nghề về chuyển đổi số trong ngành Xây dựng.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ
- Đơn vị phối hợp: Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị và các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc Bộ
m) Tăng cường ứng dụng, sử dụng các nền tảng công nghệ số trong công tác quản lý, đào tạo, khám chữa bệnh.
- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế thuộc Bộ
- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan
4. Các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh:
a) Thực hiện việc cập nhật, công khai thông tin quy hoạch trên Cổng Thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
b) Khẩn trương hoàn thành kết nối và chia sẻ thông tin cấp giấy phép xây dựng trực tuyến; cung cấp thông tin quy hoạch; thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua với Cổng Dịch vụ công do Bộ Xây dựng đã triển khai và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
c) Phối hợp với Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ trong việc cập nhật thông tin, dữ liệu lên Hệ thống thông tin Thống kê xây dựng, Hệ thống thông tin về Nhà ở và thị trường bất động sản kịp thời, chính xác.
5. Các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng:
a) Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh.
b) Tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực thiết kế, thi công, sản xuất vật liệu xây dựng đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
6. Tổ chức thực hiện
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
b) Trung tâm Thông tin là đầu mối, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số của ngành Xây dựng. Định kỳ hàng Quý báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Xây dựng về việc thực hiện Chỉ thị này.
c) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu việc bố trí nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, số hóa dữ liệu của ngành Xây dựng; theo dõi, giám sát để đảm bảo sử dụng các nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả.
d) Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng, Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng tăng cường công tác truyền thông, mở chuyên mục chuyển đổi số trên các ấn phẩm thông tin, kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, đạt kết quả thiết thực trong thực hiện chuyển đổi số của ngành, hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhằm đẩy nhanh việc triển khai chuyển đổi số của ngành Xây dựng.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng (Thông qua Trung tâm Thông tin) để hướng dẫn, giải quyết hoặc xem xét bổ sung, điều chỉnh kịp thời./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây