UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH TÂY NINH Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 64/2012/QĐ-UBND Tây Ninh, ngày 27 tháng 12 năm 2012
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây Dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch Đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 thánh 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Quyết định số 146/2004/QĐTTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1243/TTr-SXD ngày 28 tháng 11 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung chủ yếu như sau:
I. Phạm vi ranh giới, mục tiêu
1. Phạm vi và ranh giới vùng
Tỉnh Tây Ninh nằm ở cực Tây vùng Đông Nam bộ. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 4.035,45 km2, gồm 09 đơn vị hành chính: Thị xã Tây Ninh và 8 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Hòa Thành, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng. Phạm vi ranh giới như sau:
- Phía Bắc và Tây giáp Cam-pu-chia với 240 km đường biên giới qua 5 huyện, có hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.
- Phía Đông giáp tỉnh Bình Phước, Bình Dương.
- Phía Đông Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh.
- Phía Nam giáp tỉnh Long An.
2. Mục tiêu phát triển
a) Triển khai các định hướng phát triển không gian vùng phù hợp với các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
b) Phát huy vị trí địa chiến lược của tỉnh Tây Ninh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ ngoại vùng, các thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, du lịch, năng lượng, khoáng sản, du lịch, nông lâm nghiệp, văn hoá, sinh thái và cảnh quan.
c) Trở thành vùng kinh tế tổng hợp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước; vùng du lịch văn hóa – sinh thái đặc trưng về sinh thái rừng, núi, sông, hồ của cả nước;
d) Trở thành vùng giữ vai trò cửa ngõ hướng ra Cam-pu-chia, liên kết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng của cả nước.
3. Tầm nhìn đến năm 2030
Vùng tỉnh Tây Ninh là một vùng đô thị có vị thế kinh tế - văn hóa quan trọng ngày càng phát triển; là một vùng kinh tế tổng hợp gắn liền với hai khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Xa Mát, tiềm năng phát triển công nghiệp đa ngành, định hướng xuất khẩu với lợi thế khung giao thông và biên giới; là vùng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, thế mạnh cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản gắn với lòng hồ Dầu Tiếng; là một trung tâm văn hóa - lịch sử, đào tạo nhân lực và trung tâm du lịch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là một khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị và nông thôn cao, môi trường tự nhiên bền vững.
4. Dự báo quy mô dân số
Dân số đô thị: Đến năm 2015 khoảng 383.700 người; Đến năm 2020 khoảng 617.000 người; Đến năm 2030 khoảng 841.000 người.
Dân số nông thôn: Năm 2015: khoảng 776.300 người; Năm 2020: khoảng 656.000 người; Năm 2030: khoảng 609.000 người.
5. Quy hoạch sử dụng đất
Dự kiến quy mô đất đai đô thị: Năm 2015: khoảng 11.621 ha; Năm 2020: khoảng 15.882 ha; Năm 2030: khoảng 18.594 ha.
Dự kiến quy mô đất đai nông thôn: Năm 2015: khoảng 7.000-8.000 ha; Năm 2020: khoảng 6.000-6.500 ha; Năm 2030: khoảng 6.500-7.000 ha.
II. Định hướng phát triển vùng tỉnh Tây Ninh
1. Mô hình phát triển vùng
a) Vùng phát triển kinh tế tổng hợp: công nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ - du lịch, giáo dục đào tạo và Nông - Lâm - Ngư nghiệp xoay quanh các đô thị hạt nhân cấp tỉnh, cấp khu vực, các đô thị cửa khẩu.
b) Hành lang phát triển kinh tế tỉnh được hình thành bởi 4 trục phát triển chủ đạo hướng Bắc Nam tạo thành 3 lớp không gian phát triển kinh tế: Không gian phát triển kinh tế biên giới; Không gian phát triển hành lang kinh tế Quốc lộ 22B - Quốc tế; Không gian phát triển hành lang kinh tế ĐT793 – ĐT785.
2. Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Tây Ninh
a) Phân vùng phát triển động lực kinh tế
Vùng 1 (Vùng phía Bắc): Bao gồm 4 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu: hạt nhân là Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.
Vùng 2 (Vùng Trung Tâm): Bao gồm Thị xã Tây Ninh, huyện Hòa Thành với đô thị động lực chủ đạo là Thị xã Tây Ninh.
Vùng 3 (Vùng phía Nam): Bao gồm 3 huyện: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu trên hệ thống khung cao tốc - đường Xuyên Á, hạt nhân là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
b) Các trục đô thị hóa
Khung quy hoạch toàn vùng là trục hành lang phát triển Bắc Nam (hành lang QL 22B, ĐT 796, ĐT 793, ĐT 785, đường sắt cao tốc dự kiến) và các trục Đông Tây (QL22 (đường Xuyên Á), QL14C, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, ĐT 781, ĐT 782, đường sắt cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài) nối các đô thị trung tâm tỉnh tới các huyện, xã, các trung tâm kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Hồ Chí Minh và gắn kết các nước trong khu vực.
3. Định hướng phát triển không gian hệ thống đô thị
a) Mô hình phát triển đô thị
- Vùng tỉnh Tây Ninh phát triển theo mô hình tập trung đa cực, hình thành những trung tâm phát triển tập trung cao để tạo động lực phát triển kinh tế cho cả tỉnh, gồm:
+ Chùm đô thị thị xã Tây Ninh - Hòa Thành: chức năng là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, thương mai, dịch vụ du lịch - giáo dục đào tạo của tỉnh, và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
+ Chùm đô thị Mộc Bài - Trảng Bàng - Phước Đông Bời Lời: chức năng là trung tâm công nghiệp công nghệ cao - kinh tế cửa khẩu, dịch vụ thương mại quốc tế.
+ Chùm đô thị Xa Mát - Tân Biên: chức năng là trung tâm du lịch sinh thái đặc sắc với rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng đặc dụng Chàng Riệc, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.
+ Chùm đô thị Dương Minh Châu - Tân Châu: chức năng là đô thị du lịch sinh thái, là trung tâm dịch vụ du lịch, thương mại của vùng và khu vực; Hồ Dầu Tiếng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng bảo vệ đầu nguồn.
b) Định hướng phát triển hệ thống đô thị
- Đô thị trung tâm: Thị xã Tây Ninh đô thị loại II - Thành phố trực thuộc tỉnh định hướng phát triển trở thành Thành phố sôi động - sáng tạo “Eco 2” (thành phố kinh tế - sinh thái) phát triển bền vững.
- Các đô thị khác: Đô thị mới Mộc Bài, Trảng Bàng, Gò Dầu, Hoà Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bình Thạnh, Xa Mát, Phước Tân, Kà Tum, Chàng Riệc.
c) Định hướng nâng cấp đô thị
- Đến năm 2020:
+ Đô thị cấp tỉnh có 3 đô thị loại III gồm: Tây Ninh, Mộc Bài, Trảng Bàng.
+ Đô thị cấp huyện có 7 đô thị, gồm 2 đô thị loại IV: Gò Dầu, Hoà Thành và 5 đô thị loại V gồm: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bình Thạnh.
+ Đô thị chuyên ngành có 4 đô thị loại V gồm: Xa Mát, Phước Tân, Kà Tum, Chàng Riệc.
- Đến năm 2030:
+ Đô thị cấp tỉnh có 5 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II: Tây Ninh và 4 đô thị loại III: Mộc Bài, Trảng Bàng, Hoà Thành, Phước Đông-Bời Lời.
+ Đô thị cấp huyện có 9 đô thị, gồm 6 đô thị loại IV: Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bình Thạnh, 3 đô thị loại V: Chà Là, Tân Hoà, Tân Hưng.
+ Đô thị chuyên ngành 5 đô thị, gồm 1 đô thị loại IV: Xa Mát và 4 đô thị loại V: Chàng Riệc, Phước Tân, Kà Tum, Vạc Sa.
4. Các mô hình phát triển dân cư nông thôn tỉnh Tây Ninh
Điểm dân cư nông thôn gắn với vùng khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, các chợ, đầu mối giao thông, dân cư nông thôn dân tộc truyền thống kết hợp làm du lịch, các vùng kinh tế quốc phòng, đồn, trạm biên phòng.
III. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
1. Hệ thống giao thông
a) Giao thông đường bộ
Xây dựng các tuyến đường giao thông quốc gia quan trọng: Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, hành lang biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia (QL14C).
Nâng cấp các trục giao thông Đông - Tây, Bắc – Nam quan trọng đạt tiêu chuẩn cấp III, hình thành các hành lang kinh tế quan trọng đô thị - cửa khẩu.
Giao thông nội tỉnh: mạng lưới giao thông phát triển theo hướng Đông – Tây, Bắc – Nam theo các hành lang kinh tế. Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV.
Đầu tư, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng (xe buýt) phủ khắp địa bàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
b) Giao thông đường thuỷ: Nâng cấp, cải tạo các tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, xây dựng các cảng, cụm cảng theo quy hoạch ngành giao thông đã được phê duyệt.
c) Giao thông đường sắt: Xây dựng đường sắt nhẹ Tp Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường sắt nhẹ liên vùng Tân Thới Hiệp – Trảng Bàng; xây dựng tuyến đường sắt Gò Dầu – Xa Mát; xây dựng ga Trảng Bàng.
d) Giao thông hàng không: xây dựng sân bay nhỏ tại phía Bắc Thị xã phục vụ nhu cầu du lịch.
2. Cấp nước
- Nguồn cấp nước chủ yếu nguồn nước mặt từ sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và Hồ Dầu Tiếng thông qua hệ thống kênh Đông, kênh Tây, mạng lưới kênh mương thuỷ lợi các cấp và kết hợp nguồn nước ngầm.
- Khai thác hợp lý các công trình cấp nước hiện có. Mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công trình phù hợp với sự phát triển của các đô thị trong giai đoạn đến năm 2020 và có định hướng cho năm 2030.
- Cấp nước nông thôn: hình thức cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ: giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa.
3. Cấp điện
a) Trạm nguồn và lưới điện
- Dự kiến giai đoạn dài hạn xây mới trạm 500kV công suất 2x600MVA, dự kiến đặt tại khu vực ngoại thị thị xã Tây Ninh.
- Xây mới các trạm 220kV: Tây Ninh, Tây Ninh 2, Tân Biên (2x250MVA), nâng cấp trạm 220kV Trảng Bàng lên 2x250MVA.
- Xây mới các tuyến 220kV: Bình Long-Tây Ninh; tuyến kép Tây Ninh-Tân Biên; nhánh rẽ trạm 220kV Tây Ninh 2.
b) Lưới trung thế
- Đối với khu đô thị xây mới, khu vực đô thị đã ổn định về quy hoạch, các khu trung tâm, lưới trung thế phải được thiết kế, xây dựng ngầm theo đúng yêu cầu về quản lý không gian ngầm đô thị để đảm bảo mỹ quan và tránh đầu tư nhiều lần.
- Đối với các khu công nghiệp, khu vực ngoại thị, nông thôn có thể thiết kế, xây dựng lưới trung áp nổi trên cột bê tông ly tâm.
4. Thông tin liên lạc
a) Phát triển hệ thống thông tin liên lạc trong xu thế phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trong toàn tỉnh Tây Ninh có công nghệ hiện đại, phủ rộng toàn tỉnh, với băng thông lớn, tốc độ cao và chất lượng thông tin đảm bảo độ tin cậy.
b) Hạ ngầm các loại cáp trên các đường chính của tỉnh, đường phố trong trung tâm đô thị nhằm đảm bảo chất lượng thông tin và mỹ quan cho từng khu vực.
5. Thoát nước thải, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang
a) Thoát nước thải
- Thành phố Tây Ninh và các thị trấn mới nâng cấp cần xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp, khu đô thị cũ chuyển từ hệ thống thoát nước chung thành hệ thống thoát nước nửa riêng, các khu vực đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng, nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn loại A theo QCVN 14:2008 mới được thải ra môi trường.
- Các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, tiểu thủ công nghiệp cần có trạm xử lý nước thải riêng, nước thải đạt tiêu chuẩn loại A theo tiêu chuẩn QCVN 40:2011 mới được thải ra môi trường.
b) Chất thải rắn
Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và phân loại tại nguồn trước khi đem đi xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý riêng. Chất thải rắn công nghiệp tập trung được đưa về các điểm trung chuyển và đưa về xử lý tại cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp. Chất thải rắn công nghiệp độc hại phải được xử lý riêng
c) Nghĩa trang:
- Xây dựng Nghĩa trang thành phố Tây Ninh với quy mô: 20ha - Giai đoạn I: 10ha; Phạm vi phục vụ: thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị trấn Chà Là, thị trấn Dương Minh Châu; Công nghệ địa táng, thời gian sử dụng 50 năm, khuyến khích xây dựng các lò hỏa táng tại các nghĩa trang.
- Xây dựng nghĩa trang của từng huyện với quy mô giai đoạn đầu 5 ha, giai đoạn sau 10 ha. Định hướng xây dựng nghĩa trang mang tính liên vùng với quy mô 10-15ha. Thời gian phục vụ từ 30-50 năm.
6. Bảo vệ môi trường các khu vực di sản, cảnh quan thiên nhiên
a) Vùng phía Bắc: Tăng cường đầu tư phát triển và bảo tồn vốn rừng, tạo ra vùng sinh thái bền vững cho sự phát triển của toàn tỉnh cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành vùng các cây công nghiệp tập trung bảo đảm cơ sở nguyên liệu vững chắc cho phát triển công nghiệp chế biến.
b) Vùng Trung tâm: cần sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong phát triển đô thị, giảm thiểu các xung đột môi trường mang tính xã hội trong quá trình phát triển đô thị. Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải riêng cho mỗi đô thị, khu, cụm công nghiệp, nhằm hạn chế sự xâm nhập các nguồn nước ô nhiễm vào nguồn nước mặt đặc biệt là khu vực trung tâm Thị xã khi nâng cấp lên thành phố.
c) Đối với vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên (Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc, rừng đặc dụng lịch sử Núi Bà và giống lâm nghiệp, Căn cứ Đồng Rùm, căn cứ huyện ủy Châu Thành, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy lợi Dầu Tiếng...), chỉ cho phép phát triển du lịch sinh thái mật độ thấp, công trình xây dựng không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của hệ thực vật rừng. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái.
d) Vùng phía Nam: khi phát triển công nghiệp ở khu vực này cần tính toàn kỹ các giải pháp thoát nước cho mỗi khu và xây dựng hệ thống thoát riêng đối với nước thải và nước mưa. Tránh nước thải có lẫn dầu mỡ chảy tràn theo nước mưa ra môi trường xung quanh ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước các con sông trong vùng.
IV. Đánh giá môi trường chiến lược
1. Các vấn đề môi trường có phạm vi tác động lớn
a) Tính vẹn toàn của nguồn tài nguyên thiên nhiên.
b) Ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu.
c) Đầu tư phát triển mạng lưới quan trắc khí hậu, môi trường, hệ thống dự báo thủy văn phục vụ cho phát triển sản xuất, phòng tránh thiên tai.
d) Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải; các công trình xử lý nước thải công nghiệp, đô thị, khu du lịch, thực hiện đánh giá tác động môi trường và triển khai giám sát các dự án khi đi vào hoạt động.
2. Đánh giá hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm lớn
a) Các nguồn gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn.
b) Các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước.
c) Các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đất.
3. Dự báo xu hướng các vấn đề môi trường
a) Xu thế suy giảm nguồn tài nguyên nước gồm nước mặt, nước ngầm, nước thải công nghiệp.
b) Xu thế suy thoái tài nguyên đất.
c) Xu thế ô nhiễm không khí.
d) Xu thế thay đổi đa dạng sinh học.
4. Tổng hợp, đề xuất, sắp xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, cải thiện các vấn đề môi trường
a) Các giải pháp công nghệ, kỹ thuật bảo vệ môi trường.
- Phát triển và mở rộng các đô thị trong vùng cần chú ý các tác động rủi ro môi trường.
- Đối với các khu công nghiệp trong vùng: Cần tính toán kỹ các giải pháp thoát nước cho mỗi khu và xây dựng hệ thống thoát riêng đối với nước thải và nước mưa.
- Khai thác sử dụng đất khu vực nông thôn cần có sự đầu tư đồng bộ, gắn liền phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu hiện đại hoá nông thôn.
- Đẩy mạnh phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái.
- Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các loại đất chuyên dụng.
b) Giải pháp bảo vệ môi trường không khí, tiếng ồn
- Các cơ sở sản xuất công nghiệp trong vùng gây ô nhiễm bụi cao cần phải có các giải pháp kỹ thuật, đầu tư các trang thiết bị xử lý ô nhiễm ngay khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động.
- Tại các khu tập trung dân cư nên bố trí trồng cây xanh bên đường tại các nút giao thông có mật độ phương tiện cao, trồng cây xanh quanh khu vực các cụm công nghiệp gây ô nhiễm bụi, nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn.
c) Giải pháp bảo vệ môi trường nước: Bảo vệ nguồn nước mặt (nguồn nước mặt hồ Dầu Tiếng, nguồn nước mặt tại các đô thị) , bảo vệ nguồn nước ngầm, nước thải công nghiệp xử lý đạt loại A theo tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT.
d) Giải pháp bảo vệ hệ sinh thái:
- Kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Rừng đặc dụng lịch sử môi trường Chàng Riệc.
- Kết hợp giữa trồng cây gây rừng với tỉa thưa rừng ở một mức độ cho phép để rừng được phát triển tốt hơn.
V. Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và dự báo nguồn lực thực hiện
1. Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của một tỉnh công nghiệp có trình độ phát triển trong số các tỉnh hàng đầu cả nước, ngang tầm với khu vực.
- Kêu gọi và xúc tiến các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp.
- Đầu tư phát triển nông nghiệp.
- Hình thành các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực phát triển xã hội.
- Hình thành các chương trình đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ.
- Xây dựng chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt là bảo vệ nguồn tài nguyên nước, môi trường nước liên quan đến Hồ Dầu Tiếng...
- Xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tây Ninh và các tỉnh thuộc nước bạn Cam-pu-chia.
2. Dự báo nguồn lực thực hiện
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương;
- Nguồn vốn ngân sách địa phương;
- Nguồn vốn khác: vốn vay ODA, vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
VI. Tổ chức thực hiện theo cơ chế quản lý phát triển vùng
- Các cơ chế ưu đãi khuyến khích: Phát huy nội lực, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; hỗ trợ thúc đẩy các nguồn lực đầu tư về giao thông, các khu đô thị mới, các công trình dịch vụ, đào tạo, văn hoá - giải trí qui mô lớn.
- Về quản lý nhà nước: Vận hành lồng ghép các quy hoạch ngành trong tỉnh, thống nhất trong tổng thể không gian để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và đất đai. Quản lý phát triển đô thị theo phân cấp và có sự tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành để lựa chọn đầu tư, đặc biệt đối với các khu đặc thù hoặc có qui mô lớn.
- Lập kế hoạch để triển khai thực hiện quy hoạch vùng gồm các chương trình quảng bá, giới thiệu qui hoạch, kêu gọi đầu tư. Các hoạt động đầu tư cần có sự thống nhất, tuân thủ các vùng chức năng đã được xác lập trong quy hoạch vùng. Những hạng mục quan trọng như các tuyến giao thông chính, đầu mối hạ tầng kỹ thuật cần bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện, đồng thời có cơ chế phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư.
- Lập quy chế quản lý vùng để quản lý phát triển theo nội dung quy hoạch vùng, trong đó xác lập những yêu cầu về quy hoạch không gian và hạ tầng kỹ thuật để quản lý các quy hoạch xây dựng đô thị và các dự án đầu tư xây dựng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
-Chính phủ; PHÓ CHỦ TỊCH
-Bộ Xây dựng;
-Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; (đã ký)
-TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
-Trung tâm Công báo tỉnh;
-Như điều 3;
-Lưu: VT, VP.UBND tỉnh. Nguyễn Thảo
Tải file đính kèm tại đây
Ý kiến bạn đọc