7000 xã trong cả nước đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 19/06/2013 14:45 845 0

7000 xã trong cả nước đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị đánh giá thực hiện quyết định 193/QĐ-TTg ngày 2/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới (QHXD NTM), do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 14/6, tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

 


Hội nghị có sự tham gia cả đại diện Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM trung ương, BCĐ các địa phương, các cấp chính quyền của hơn 30 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, cùng đại diện các đơn vị tư vấn, hội nghề nghiệp…Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các hội nghị đánh giá công tác lập và phê duyệt QHXD NTM với các vùng ĐBSCL, vùng TP.HCM, các tỉnh miền Trung.

Nỗ lực lớn của các bên liên quan

Tính đến hết tháng 5/2013, trong tổng số 10 nghìn xã của cả nước có 74,6% số xã (tương đương 7 nghìn xã) đã hoàn thành việc phê duyệt QHXD xã NTM. Trong đó, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Nông, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang và Sóc Trăng đã hoàn thành công tác lập QHXD xã NTM. Một số tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hưng Yên, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng đã hoàn thành trên 85% QHXD NTM trên địa bàn… Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong cả nước vẫn còn một số tỉnh ở khu vực miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La..., tỷ lệ hoàn thành QHXD NTM còn kiêm tốn.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao kết quả đạt được: Kết quả rà soát cho thấy, về cơ bản, 63 tỉnh thành hoàn thành theo đúng nhiệm vụ quyết định 193/QĐ-TTg. Trong khoảng 10 nghìn xã của cả nước đã có xấp xỉ 75% hoàn thành công tác lập và phê duyệt QHXD NTM. Điều này cho thấy, việc rà soát có sự đồng thuận và tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, để công tác triển khai QHXD NTM hiệu quả trong hình tình đất nước còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng cũng cho biết, sau khi có quyết định 193/QĐ- TTg, Bộ Xây dựng đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn việc thực hiện QHXD NTM. Trong một thời gian ngắn, với đặc thù của nông thôn (địa bàn rộng, địa hình vùng miền khác nhau, khó khăn trong công tác khảo sát…), những văn bản pháp luật đã giúp các địa phương triển khai QHXD NTM thuận lợi, bước đầu giúp các xã định hướng xây dựng CSHT và quản lý trật tự xây dựng, bộ mặt nông thôn tốt hơn.


Thứ trưởng khẳng định: Công tác QHXD NTM những năm gần đây đã được quan tâm hơn so với thời gian trước đây. Điều này thể hiện sự cố gắng lớn của các BCĐ Trung ương và địa phương. Bộ Xây dựng cũng chia sẻ với khó khăn của các địa phương. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng có những thuận lợi về quy mô xã, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận lợi. Trong khi đó, những xã miền núi, quy mô lớn nhưng quỹ đất xây dựng nhỏ, rất khó khăn đi lại cũng như xác định định hướng xây dựng NTM.

Thực tế rà soát cũng cho thấy, cả 63 tỉnh, thành đều đều khó khăn bố trí vốn trong việc triển khai QHXD NTM theo tiến độ. Về lực lượng tư vấn, cả nước có hơn tư vấn hơn 200 nhưng chỉ có 10 -20% trong số này tham gia QHXD NT, chủ yếu là các trung tâm tư vấn QH địa phương, các viện QH địa phương. Các đơn vị tư vấn này có thuận lợi am hiểu địa bàn nhưng cũng có bất cập là đội ngũ cán bộ chưa đủ tham gia triển khai số lượng xã lớn.

Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương, quy hoạch vùng huyện thiếu. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khân trương, chỉ đạo quy hoạch vùng huyện. Bởi QH vùng huyện sẽ định hướng lớn để QHXD NTM (với 3 nội dung QH xây dựng, QH sử dụng đất, QH sản xuất). Nếu không quy hoạch vùng huyện sẽ không có sự kết nối giữa các xã, rất khó cho các xã QH sản xuất…

Thứ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, đưa cán bộ cấp xã tham gia học các lớp đào tạo theo quyết định của Thủ tướng. Bởi sau khi QH được duyệt, công tác triển khai thực hiện theo QH cũng rất cần cán bộ xã có năng lực.

Tại hội nghị lần này, Thứ trưởng ghi nhận các kiến nghị của các địa phương liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn và đề xuất về QHXD NTM tuy nhiên trong các báo cáo tình hình triển khai QHXD NTM, Bộ chưa thấy các địa phương có kiến nghị chính thức bằng văn bản. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát lại 19 tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp cho công tác QHXD NTM có tính khả thi cao hơn.

Thứ trưởng cho biết, trong đợt điều chỉnh, bổ sung Luật Xây dựng lần này, Bộ Xây dựng đang có hướng nghiên cứu cụ thể, toàn diện và nâng nội dung về QH về NT thành nghị định nghị định về quản lý xây dựng NT, để tính pháp lý cao hơn và điều tiết nhiều nội dung hơn trong công tác quản lý xây dựng NTM.

Liên quan đến đề xuất về định mức chi phí QHXD NTM, Thứ trưởng cho biết, trong tháng 5/2013, Bộ đã ban hành định mức này, trong đó có gợi ý khung, hướng dẫn tương đối cụ thể giúp các địa phương có thể áp dụng định mức trong quy hoạch NTM. Định mức này mới mang tính gợi ý vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn và quy mô, tính chất khác nhau của các xã NTM… Ngoài ra, các địa phương còn có thể tham khảo các định mức liên quan của Bộ NN&PTNT.

Sau hội nghị có thêm kinh nghiệm, thông tin để tổ chức tốt hơn công tác QH và quản lý theo QH.

Vẫn còn những khó khăn

Còn tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích các nguyên nhân, vướng mắc trong công tác QHXD NTM. Đó là sự thay đổi của các văn bản pháp quy. Trước đây thực hiện theo Thông tư 09/2010/TT-BXD ngày 04/8/2010 của Bộ Xây dựng, nay thực hiện theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 (lồng ghép 3 nội dung QH xây dựng, QH sử dụng đất và QH sản xuất trong một đồ án QHXD NTM), dẫn tới việc phải điều chỉnh đồ án trong quá trình nghiên cứu, gây mất thời gian và khó khăn cho các địa phương. Hơn thế, cơ chế, chính sách tại một số địa phương còn rườm rà. Cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về QHXD cấp huyện, xã còn chưa được cải thiện kịp thời.

Một nguyên nhân nữa là sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp còn hạn chế. Tại một số địa phương, các đơn vị tư vấn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với UBND xã, huyện trong việc triển khai lập đồ án QHXD NTM. Bản thân địa phương cũng thiếu cán bộ có chuyên môn thực hiện công tác thẩm định đồ án. Sự phối kết hợp giữa các cấp thẩm định, phê duyệt đồ án QH tại một số nơi còn thiếu tính chặt chẽ...

Số lượng các tổ chức tư vấn tham gia lập QHXD NTM còn ít, chưa đủ mạnh, tính chuyên nghiệp chưa cao...

Kinh phí cho công tác lập QHXD nông thôn tại các địa phương trên cả nước còn rất hạn chế. Chi phí để lập đồ án QHXD thấp (khoảng 150 triệu/xã) nên các đơn vị tư vấn gặp khó khăn trong việc tổ chức triển khai, nhất là các xã tại vùng sâu, vùng xa và xã có diện tích lớn. Một số địa phương chưa bố trí đủ vốn (mới tạm ứng một phần kinh phí lập QH) do đó đồ án lập QH bị kéo dài.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nên công tác lập QHXD NTM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định hướng QH phát triển sản xuất phù hợp với tốc độ phát triển đô thị của địa phương. Hầu hết các xã chỉ có bản đồ địa chính (mới nhất là của năm 2007), chưa có bản đồ nền địa hình nên việc thể hiện tình hình hiện trạng, xác định cao độ xây dựng, thiết kế mạng lưới hạ tầng kỹ thuật… chưa thể thực hiện một cách sâu sát, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình lập QH, hệ thống tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ cho công tác lập QH còn thiếu và không thống nhất. Một số xã phải dùng bản đồ giải thửa để lập QHXD...

Quyết tâm phủ kín QHXD NTM

Việc phủ kín QHXD NTM trên cả nước có vai trò tiền đề, tạo điều kiện khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, tạo sự liên kết trong vùng, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất... một cách bền vững, đồng thời từng bước nâng cao điều kiện sống, dân trí của người dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại ở khu vực NT. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản bản hướng dẫn các địa phương, tăng cường kiểm tra, thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện QH để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác QHXD NTM.

Bộ đã và đang ban hành thiết kế mẫu nhà ở NT phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền theo hướng văn minh, hiện đại đồng thời tiếp tục triển khai việc đào tạo nâng cao năng lực của địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý QHXD NTM.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai QHXD NTM nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các cấp tiếp tục và quyết liệt trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác lập QH trên địa bàn do mình quản lý cũng như tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình QHXD NTM, về các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực NT để người dân hiểu rõ hơn về nội dung QHXD và chủ động tham gia vào công tác QHXD cũng như đầu tư phát triển theo QH. Các Bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý, tháo gỡ các vướng mắc cho các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, kinh phí, tổ chức bộ máy, nhân sự...

Chương trình rà soát QHXD NTM trên phạm vi cả nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đảm bảo đến năm 2015 có 20% tổng số xã đạt tiêu chí NTM và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí NTM theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Phòng TT-TL

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây