Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ năm - 30/05/2019 15:00 900 0

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 thay thế cho Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 ra đời đã khắc phục những nội dung còn thiếu trong việc kê khai các loại tài sản; đối tượng kê khai tài sản; thời điểm kê khai tài sản; bổ sung thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai… tạo cơ sở cho việc thực hiện thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước về tài sản đối với các chủ thể có liên quan đến việc kê khai tài sản.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bao gồm 10 chương với 96 điều có một số điểm mới sau đây:

1. Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập

Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật này quy định tại Điều 34 được mở rộng hơn, cụ thể như sau:

- Cán bộ, công chức;

- Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai

Bên cạnh việc kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh.

Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.

3. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập

Luật PCTN năm 2018 quy định rất cụ thể, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức sau:

- Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; Sĩ quan; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019.

- Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động tài sản.

- Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 hàng năm.

4. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị  

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan mình quản lý, phụ trách (Điều 72 và Điều 73).

5. Kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc

Theo khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.

Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến.

Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

6. Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng 

Đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả thực thi, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Đối với xử lý tham nhũng, so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng (Điều 92, Điều 93). Đối với xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung quy định tại mục 2 Chương IX. Theo đó, Điều 94 liệt kê các hành vi  khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũngvà quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này; Điều 95 quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng; trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã tạo ra hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với mục tiêu nhằm phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây