Kiểm tra tình hình công tác nhà nước quản lý nhà nước ngành xây dựng trên địa bàn huyện

Thứ ba - 16/09/2014 20:35 809 0

Kiểm tra tình hình công tác nhà nước quản lý nhà nước  ngành xây dựng trên địa bàn huyện

Thực hiện nhiệm vụ công tác cơ sở năm 2014 về kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng năm 2014, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 2014 Sở Xây dựng có 5 đợt đi công tác tại các huyện, gồm: Gò Dầu, Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên và Trảng Bàng.

              Dẫn đầu đoàn công tác Sở Xây dựng là Giám đốc Trương Văn Ngôn, cùng sự tham gia của các Trưởng, Phó Trưởng phòng thuộc Sở.

Về phía các địa phương có lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan công tác ngành xây dựng, như Trung tâm Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội…

 

 

   

 

Đoàn công tác Sở Xây dựng làm việc tại UBND huyên Tân Biên ngày 09/9/2014

Ngày nay, công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trên địa bàn huyện đang từng bước xác lập vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Từ công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho đến công tác quản lý trật tự xây dựng, tất cả đều có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Qua báo cáo của mỗi địa phương về tình hình quản lý nhà nước ngành xây dựng từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện có kết quả như lập, thẩm định, công bố quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cấp giấy phép xây dựng nhà ở và công trình, quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả khả quan.

Về cải cách thủ tục hành chánh, UBND các huyện đã triển khai đầy đủ Quyết định số 719/QĐ-UBND ngày 01/4/2014 của UBND tỉnh về công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính bị hủy bỏ, bãi bỏ hoặc thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó về thẩm quyền giải quyết, cấp huyện có 17 thủ tục và cấp xã có 06 thủ tục đã được UBND huyện cập nhật, công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Quá trình giải quyết hồ sơ thực hiện đúng theo quy định, đúng thời gian, không gây khó khăn cho tổ chức, công dân. Đặc biệt là đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về giảm 1/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.

Về quản lý nhà nước theo các lĩnh vực ngành xây dựng, đa số các huyện đã có nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên qua thảo luận, các địa phương đã bộc lộ một số hạn chế.

Hạn chế lớn nhất của các huyện, kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được là đội ngũ công chức làm công tác quản lý ngành xây dựng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ, lại thiếu tính ổn định lâu dài, đặc biệt là công chức ngành xây dựng cấp xã. Biên chế Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện từ 7 đến 8 người, trong đó có 2 đến 3 người được phân công quản lý 7 lĩnh vực ngành xây dựng, ngoài ra còn phải mất 1 người trực thường xuyên bộ phận một cửa, là một sự mất cân đối dẫn đến hầu hết các huyện chưa thể thực thi trách nhiệm phủ kín tất cả các lĩnh vực ngành xây dựng. Để khắc phục hạn chế này, UBND các huyện, thành phố phải rà soát, xây dựng Đề án vị trí việc làm một cách hợp lý, cùng với các giải pháp về bố trí công chức ổn định, tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý.

Về bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, năm 2013 Sở Xây dựng đã phối hợp Sở Nội vụ triển khai lớp chuyên môn, nghiệp vụ chức danh công chức ngành xây dựng cấp xã. Bên cạnh đó, hàng năm Sở Xây dựng đều có các lớp phổ biến kiến thức pháp luật ngành xây dựng. Tháng 8 năm 2014, Sở Xây dựng phối hợp Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thuộc Bộ Xây dựng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với Trưởng, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị thuộc UBND các huyện, thành phố. Tuy hoạt động bồi dưỡng kiến thức và năng lực quản lý được duy trì thường xuyên như trên, song việc cử công chức tham dự chưa đúng thành phần, đặc biệt là thái độ tự giác học tập của công chức chưa tốt cũng ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc. Tại các buổi làm việc, nội dung trên đây đã được đưa ra thảo luận.

Một hạn chế khác là ở một số huyện, sự phối hợp công tác giữa Phòng Kinh tế và Hạ tầng với các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, cũng như sự phối hợp của UBND các xã chưa thật chặt chẽ và có hiệu quả. Kết quả là số liệu báo cáo, nhất là số liệu về hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên, môi trường thường không thống nhất nhau. Điều này nói lên sự hạn chế trong công tác tham mưu của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đối với UBND huyện, khiến cho công tác chỉ đạo, điều hành quản lý ngành xây dựng ở địa phương chưa thật sự có hiệu quả cao.

Theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH14 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), tại cấp huyện thì UBND cấp huyện (bao gồm quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh) là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương, và cơ quan chuyên môn về xây dựng là phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện. Như vậy, bên cạnh Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND cấp huyện quản lý nhà nước về xây dựng thì còn một số phòng khác thuộc UBND cấp huyện phải tham gia nhiệm vụ này. UBND cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành phối hợp các phòng chuyên môn, mà trong đó nhiệm vụ chủ trì tham mưu là Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị, giúp UBND cấp huyện thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng.

Một số vướng mắc khác từ phản ảnh của các huyện như triển khai các bước sau khi quy hoạch đô thị được phê duyệt, lộ trình và kế hoạch triển khai chương trình phát triển đô thị tại địa phương, các vướng mắc cụ thể trong việc cấp giấy phép xây dựng,   thẩm quyền thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, xử lý các trường hợp phát sinh phải sử dụng dự phòng phí, quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện làm sao cho có hiệu quả…đã được thảo luận, và hầu hết đã được đoàn công tác Sở Xây dựng giải đáp.

Kết luận tại các buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng đã ghi nhận nổ lực phấn đấu của Phòng Kinh tế và Hạ tầng cùng các phòng chuyên môn khác thuộc UBND huyện trong công tác tham mưu quản lý nhà nước ngành xây dựng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc đòi hỏi các phòng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt hiệu quả cao hơn. Các phòng chuyên môn của Sở Xây dựng có trách nhiệm tích cực cộng tác, hướng dẫn, phối hợp UBND huyện làm tốt hơn, có hiệu quả hơn, góp phần phát triển ngành xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây