Trình bày tóm tắt Đề án đề nghị công nhận thị trấn Hòa Thành (huyện Hòa Thành) là đô thị loại IV, Chủ tịch UBND huyện – ông Nguyễn Nam Hưng cho biết: Thị trấn Hòa Thành là đô thị huyện lị của huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh); là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh. Tiếp giáp với thành phố Tây Ninh về phía Nam, thị trấn gắn liền với thành phố trong phát triển văn hóa, xã hội và kết cấu hạ tầng kinh tế. Là trung tâm tôn giáo Cao Đài, đây là nơi tập trung nhiều hoạt động về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo mang tầm khu vực và quốc gia, đặc biệt là các lễ hội của đạo Cao Đài gắn liền với Tòa thánh Tây Ninh. Với lợi thế về cảnh quan, kiến trúc công trình độc đáo và văn hóa truyền thống, Hòa Thành rất có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch, trở thành một đô thị có bản sắc văn hóa đặc trưng.
Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, Hòa Thành đã và đang tập trung xây dựng, phát huy các thế mạnh trên địa bàn, đạt được nhiều chuyển biến đáng khích lệ về mọi mặt. Nhiều công trình như Trung tâm thương mại Long Hoa, Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh và của huyện… đã góp phần tạo diện mạo ngày càng khang trang cho thị trấn. Tới nay, thị trấn Hòa Thành về cơ bản đã đủ điều kiện để được công nhận là đô thị loại IV.
Về Đề án đề nghị công nhận thị trấn Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng) là đô thị loại IV, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Minh cho biết: thị trấn Trảng Bàng là đô thị huyện lị của huyện Trảng Bàng - tỉnh Tây Ninh; nằm trên trục Quốc lộ 22, cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh 52 km; cách cửa khẩu Mộc Bài 30 km. Có thể nói, Trảng Bàng là cầu nối quan trọng giữa tỉnh Tây Ninh với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là hạt nhân đối trọng phía Tây bắc của Vùng Tp. Hồ Chí Minh.Trong những năm qua, kinh tế xã hội của thị trấn có những bước tiến nhanh và vững vàng, với thế mạnh là các ngành công nghiệp đa ngành. Đây là đô thị trung tâm công nghiệp của tỉnh, với rất nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp tập trung đã và đang được đầu tư xây dựng như KCN Trảng Bàng, KCN & chế xuất Linh Trung 3, KCN & Đô thị Phước Đông - Bời Lời, Vườn công nghiệp An Hòa,…Hiện nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã tương đối hoàn chỉnh; diện mạo đô thị được nâng cấp; đời sống người dân được cải thiện rất nhiều. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người toàn thị trấn tương đương 1410 USD bằng 0,71 lần so với mức bình quân trên cả nước - đạt mức tối đa so với tiêu chí của đô thị loại IV. Việc nâng cấp Trảng Bàng lên đô thị loại IV là cần thiết, nhằm khẳng định vị trí tiềm năng của thị trấn, đồng thời tạo động lực để Trảng Bàng tiếp tục phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và Vùng Tp. Hồ Chí Minh.
Nhận xét về hai Đề án, các báo cáo thẩm định của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), các ý kiến phản biện và ý kiến của các thành viên Hội đồng đều nhất trí việc nâng loại hoàn toàn phù hợp với hiện trạng phát triển của các địa phương, và phù hợp với Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1659/QĐ-TTg.
Phát biểu kết luận, bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các địa phương, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng nhanh chóng rà soát điều chỉnh lại các quy hoạch, trên cơ sở đó xây dựng chương trình phát triển đô thị phù hợp, cụ thể hóa các nguồn lực thực hiện, xác định các dự án ưu tiên, tạo đà cho các đô thị sau khi được nâng loại tiếp tục phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành thị xã trong tương lai không xa.
Đối chiếu với 49 tiêu chí thuộc 06 nhóm chỉ tiêu quy định trong Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị, và theo Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng nhất trí với Hội đồng thông qua hai Đề án với điểm số trung bình tương ứng là 84,24 và 85,39.
Lệ Minh
Ý kiến bạn đọc