Đó là đánh giá chung về mặt tích cực đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 tại báo cáo tổng kết, do Giám đốc Sở Xây dựng Trương Văn Ngôn trình bày tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành xây dựng tỉnh Tây Ninh đã diễn ra chiều ngày 13/01/2017 tại Sở Xây dựng.
Ngoài ra theo báo cáo, căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 23/12/2015 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Sở Xây dựng đã có kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ ngành xây dựng và đã phấn đấu hoàn thành tất cả 28/28 nhiệm vụ do đơn vị đề ra.
Năm 2016 tiếp tục là năm có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mới trong các lĩnh vực ngành xây dựng do Trung ương ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành. Để kịp thời triển khai thực hiện các văn bản QPPL mới, trong năm 2016 ngành xây dựng Tây Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 08 quyết định QPPL, trong đó có 06 văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành và 02 văn bản quy định mới.
Đó là các văn bản quy định trên địa bàn tỉnh về: quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; phân cấp quản lý và thực hiện dự án đầu tư công, dự án đầu tư xây dựng; phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý về quản lý thoát nước và xử lý nước thải; sửa đổi một số điều của quy định cấp giấy phép xây dựng; các tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 cũng đã được HĐND tỉnh khóa IX ra Nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 2, và UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt.
Nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn trên thực tế, Sở Xây dựng đã chủ động ban hành theo thẩm quyền 11 văn bản hướng dẫn, nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực ngành xây dựng như: lập và thực hiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; lập hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng các công trình trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia đối với các xã xây dựng nông thôn mới; lập chương trình phát triển đô thị; thực hiện công tác bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; xử lý chuyển tiếp đối với các hợp đồng tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; xử lý chuyển tiếp đối với hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình phải giải thể theo quy định hiện hành; lập quy hoạch chi tiết đô thị; xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng; quản lý việc xây dựng, cấp phép xây dựng công trình xây dựng nhà trọ; cấp giấy phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động...
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016, trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng (QHXD) Sở đã tham mưu lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, triển khai công bố và thực hiện quy hoạch. Đến nay, việc lấp đầy các khu công nghiệp đạt tỷ lệ cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ngoài ra Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, rà soát, điều chỉnh QHXD các khu kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát), các cửa khẩu quốc gia và quốc tế (Chàng Riệc, Vạc Sa, Phước Tân) phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biện giới; tháo gỡ khó khăn, tạo tiền đề để thúc đẩy khu kinh tế cửa khẩu, phát triển kinh tế biên mậu. Sở Xây dựng đã phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, bổ sung các quy hoạch hạ tầng các khu, điểm du lịch, nhất là khu du lịch núi Bà Đen làm cơ sở để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trong những năm tới.
Để phục vụ cho công tác nâng loại đô thị đối với đô thị Hòa Thành và đô thị Trảng Bàng, đồ án quy hoạch chung đang được lập, lấy ý kiến và thẩm định theo đúng quy trình thủ tục, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý I năm 2017. Tháng 5 năm 2016, thị trấn Trảng Bàng và thị trấn Hòa Thành đã được Bộ Xây dựng ra Quyết định công nhận là đô thị loại IV theo Đề án phân loại đô thị. Năm 2017 sẽ tiếp tục quy trình thành lập thị xã đối với hai đô thị này. Bên cạnh đó Đề án phân loại đô thị đối với thị trấn Gò Dầu là đô thị loại IV đang được triển khai và sẽ còn tiếp tục trong năm 2017. Bên cạnh thành phố Tây Ninh đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III trong năm 2012, và sự kiện công nhận đô thị loại IV cho hai thị trấn Trảng Bàng và Hòa Thành nói trên, trong năm 2016 UBND tỉnh đã quyết định công nhận đô thị loại V cho 6 đô thị là 6 thị trấn các huyện còn lại.
Về cấp nước, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy nước trên địa bàn tỉnh, góp phần duy trì tỷ lệ 100% dân cư đô thị được cung cấp và sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Hiện nay có 6/9 huyện, thành phố của tỉnh đã có hệ thống cấp nước đô thị ( trừ Tân Biên, tân Châu và Dương Minh Châu), với năng lực cấp nước là 28.000m3/ ngày đêm. Về đầu tư dự án mới, đến nay dự án Nhà máy nước Trảng Bàng đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với công suất giai đoạn I đến năm 2020 là 30.000m3/ ngày đêm. Riêng Nhà máy nước đặt tại xã Bàu Năng huyện Dương Minh Châu, nhà đầu tư đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Về thoát nước và xử lý nước thải, bên cạnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định việc phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý về quản lý thoát nước trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng phối hợp sở, ngành khảo sát thực tế và báo cáo UBND tỉnh tình trạng ngập cục bộ tại đô thị trên địa bàn thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành trong mùa mưa năm 2016 để có giải pháp ứng phó, chấm dứt tình trạng ngập lụt trong thời gian tới.
Về chất thải rắn, qua kết quả khảo sát và báo cáo đề xuất của Sở Xây dựng cùng các địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án đóng cửa các bãi chôn lấp rác đang hoạt động nhưng không bảo đảm các quy định về môi trường gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, và không phù hợp quy hoạch quản lý chất thải rắn. Kết quả đã có 8/10 bãi chôn lấp rác đã đóng cửa. Đồng thời Sở Xây dựng phối hợp kêu gọi đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được duyệt. Hiện đã có 01 nhà đầu tư (Công ty Cổ phần xử lý chất thải Tây Ninh) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu nhà máy xử lý và tái chế kim loại, tái chế nhớt thải, xử lý và tiêu hủy chất thải công nghiệp không nguy hại, xử lý và tiêu hủy chất thải sinh hoạt.
Trong lĩnh vực nhà ở, năm 2016 là năm đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, hiện có 01 dự án đang xây dựng (dự án Nhà ở xã hội Phường 2, thành phố Tây Ninh), 01 dự án đang thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư, 01 dự án chuẩn bị hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, 02 dự án đang thông báo kêu gọi đầu tư. Về các dự án về nhà ở thương mại có 01 dự án đang xây dựng (dự án Khu dân cư Phú Thịnh tại Phường 3, thành phố Tây Ninh, đã có 34 căn đủ điều kiện đưa vào kinh doanh), 01 dự án đã trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, đến hết năm 2016 đã có 06 dự án hoàn thành, tương ứng 2.726 căn, diện tích sàn xây dựng là 124.575,63m2, đáp ứng chỗ ở cho 7.623 công nhân (trong tổng số công nhân cần nhà ở là 37.500 người). Bên cạnh đó qua khảo sát trong năm 2016, toàn tỉnh có 15.000 phòng trọ với tổng diện tích xây dựng khoảng 300.000 m2 do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để cho người lao động thuê tại các khu công nghiệp.
Giám đốc Sở Xây dựng Trương Văn Ngôn báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2016 ngành xây dựng tỉnh Tây Ninh
Trong lĩnh vực quản lý xây dựng, năm 2016 theo Đề án do Sở Xây dựng trình và UBND tỉnh đã phê duyệt, ngành xây dựng đã tiến hành sắp xếp lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, chấn chỉnh lại việc giao chủ đầu tư theo hướng tập trung nhằm hạn chế đáng kể những sai sót, khắc phục triệt để các tồn tại, yếu kém trong thời gian qua. Sở đã tăng cường công tác thẩm định hồ sơ dự án, chấn chỉnh ngay từ khâu khảo sát, chọn lựa phương án thiết kế hợp lý, phù hợp quy định pháp luật và điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh, làm thay đổi rõ rệt nhận thức của các đơn vị tư vấn trong việc tạo ra sản phẩm thiết kế chất lượng và tiết kiệm.
Sở cũng đã phối hợp tăng cường hướng dẫn, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng; triển khai tốt công tác nghiệm thu đưa công trình đi vào khai thác, sử dụng, qua đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình trong từng công đoạn thi công. Trong năm 2016 đã có 177 tổ chức hoạt động xây dựng được Sở Xây dựng công bố thông tin năng lực, đồng thời bên cạnh công tác cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân, lần đầu tiên Sở Xây dựng triền khai cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, và đã cấp 02 chứng chỉ cho 02 doanh nghiệp ngành xây dựng. Động thái trên đây đã giúp các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quản lý chặt chẽ hơn nữa về năng lực hoạt động của các tổ chức, năng lực hành nghề của cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao chất lượng trong công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng.
Về công tác thẩm định, năm 2016 Sở Xây dựng, các sở chuyên ngành xây dựng và các huyện, thành phố đã thẩm định 710 hồ sơ (bao gồm dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế thi công và dự toán), đã cắt giảm việc tính toán thừa, không cần thiết nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với một khoản kinh phí là 161, 987 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực kinh tế xây dựng, UBND tỉnh đã công bố 04 bộ Đơn giá dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh (duy trì hệ thống thoát nước đô thị; duy trì cây xanh đô thị; duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị), bộ Đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh thay thế các bộ đơn giá hiện hành, và công bố chỉ số giá xây dựng công trình dân dụng và giao thông năm 2014, 2015 trên địa bàn tỉnh. Các tài liệu này là cơ sở tham khảo, vận dụng, áp dụng để xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị và chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Năm 2016 Sở Xây dựng đã thực hiện 86 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với 86 sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Phần lớn sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng là gạch đất sét nung, số ít khác là gạch Terrazzo, vật liệu chống thấm gốc ximăng- polyme. So với năm 2015 chỉ có 06 hồ sơ công bố hợp quy được thông báo tiếp nhận, kết quả trên đây là một chuyển biến đáng kể trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Về phương hướng nhiệm vụ 2017, ngành xây dựng tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục rà soát tham mưu UBND tỉnh hoàn chỉnh hệ thống văn bản QPPL ngành xây dựng. Bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật văn bản hiện hành, Sở Xây dựng sẽ tham mưu quy định cụ thể quy mô công trình, chiều cao tối đa, thời gian được phép tồn tại của công trình để làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn thành phố Tây Ninh; tham mưu quy định về khung giá cho thuê nhà ở công vụ trên địa bàn tỉnh, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Đối với hai đô thị Trảng Bàng và Hòa Thành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm góp phần hoàn thiện thủ tục thành lập thị xã đối với hai đô thị này. Sở Xây dựng cùng các cơ quan liên quan sẽ tập trung tham mưu công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc để thực hiện kêu gọi đầu tư, cấp phép xây dựng các dự án, công trình xây dựng thuộc khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, góp phần thức đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Về xây dựng nông thôn mới, sẽ kiểm tra, rà soát việc thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, từ đó tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp tình hình mới.
Về phát triển đô thị sẽ tập trung tham mưu phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị trấn Gò Dầu và trình Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV cho thị trấn Gò Dầu. Rà soát, đánh giá hiện trạng các đô thị dự kiến hình thành mới (theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030) để tham mưu lập khu vực phát triển đô thị.
Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, tập trung vào các dự án nhà ở xã hội. Nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích, ưu đãi trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Thiết kế mẫu nhà ở nông thôn, công bố và hướng dẫn sử dụng.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất và tiêu thụ gạch không nung, gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung và lộ trình hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, được ban hành kèm theo Quyết định 1153/QĐ-UBND ngày 26/5/2016của UBND tỉnh. Tiếp tục tham mưu lập và phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh các nhiệm vụ trên, năm 2017 ngành xây dựng tiếp tục các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tiếp tục làm làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính nhằm góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ nhân dân. Tăng cường nhiều hơn, thực hiện hiệu quả hơn đối với công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn trong các lĩnh vực ngành xây dựng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm xây dựng đạt chất lượng và tiết kiệm, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặc chẽ trật tự xây dựng, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch. Trên hết ngành xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh.
Ý kiến bạn đọc